Lịch sử Hàn lâm viện

Thời Đường

Bắt đầu từ những năm 700, danh từ Hàn lâm được dùng để chỉ các chức vụ, cơ quan với ý nghĩa là các thuộc viên hoặc người giữ chức Hàn lâm có trình độ cao hoặc có tay nghề chuyên môn uyên thâm, dù các chuyên môn này có thể không liên quan đến văn học, nghệ thuật, kinh truyện. Thời này, Hàn lâm có thể được đặt trước tên chức của các học sĩ, y sĩ, các nhà bói toán, các quan viết thư pháp, v.v.

Khoảng năm 666 hoặc 667, triều đình lập văn phòng Bắc Môn (北門, North Gate), hợp các học sĩ văn hay chữ tốt chuyên trách việc soạn thảo chiếu chỉ, tác phẩm mà triều đình giao cho. Các học sĩ này ngoài các Nho học gia ra, còn có những học sĩ với chuyên môn trong Tứ thư, trong thơ ca, hoặc trong Phật học hoặc Lão học, v.v.

Năm Tiên Thiên nguyên niên (712) thời Đường Huyền Tông, triều đình xóa tên văn phòng Bắc Môn, lấy tên chức Hàn lâm đãi chiếu (翰林待詔, Academicians Awaiting Orders) để chỉ các vị Bắc Môn học sĩ xưa, bắt đầu sắp xếp quy tụ những học sĩ uyên thâm chữ nghĩa. Năm này, Trung thư sảnh (中書省, Secretariat) nhiều việc, nên tuyển người văn hay chữ tốt, bổ chức Hàn lâm cung phụng (翰林供奉, Academician in Attendance), phụ giúp các học sĩ tại các viện văn học như Tập hiền viện, Chiêu văn quán trong việc chế cáo thư sắc.

Thời này, hai chức Hàn lâm đãi chiếu và Hàn lâm cung phụng đều là chức Sai khiển (差遣, Duty Assignment), là những chức với trách nhiệm được giao không liên quan đến chức vụ chính thức của vị quan được giao. Việc soạn thảo văn kiện cần người văn hay chữ tốt, nên các quan có ưu điểm này đều được tuyển dụng từ các bộ, cơ quan khác nhau. Vì việc cần người ở các cấp khác nhau, nên số lượng hai hạng Học sĩ trên tùy lúc cao thấp khác nhau. Hai chức này không bổ phẩm trật và không trả lương. Các quan giữ hai chức này được trả lương theo chức vụ chính thức mà họ đã nắm giữ trong triều đình trước khi nhậm một trong hai chức Hàn lâm này.

Năm Khai Nguyên 26 (738), triều đình gộp 2 chức Hàn lâm cung phụng và Hàn lâm đãi chiếu lại thành một và gọi chức mới là Hàn lâm học sĩ (翰林學士, Hanlin Academician), phân biệt với các hạng học sĩ khác. Hàn lâm học sĩ làm việc cho Hàn lâm viện. Các học sĩ khác ngoài Hàn lâm viện được gọp lại và điều hành bởi cơ quan cũng lập cùng năm là Học sĩ viện (學士院, Institute of Academicians).

Vào những năm đầu của Hàn lâm viện, do đơn thuần là cơ quan soạn thảo văn kiện nên viện không là một cơ quan với nhiều ảnh hưởng đến chính sự triều đình. Nhưng những năm sau, nhất là vào những năm 800 sau cuộc loạn An Lộc Sơn, mức ảnh hưởng của Hàn lâm viện tăng lên đáng kể khi những việc bổ hay miễn quan văn võ, sách lập Thái tử, tuyên bố chinh phạt, hoặc các sắc lệnh vua ban đều do các vị Hàn lâm viện học sĩ khởi thảo, các Hàn lâm học sĩ dần dần trở thành cố vấn riêng của vua trong các vấn đề chính sự.

Cũng như hai chức Hàn lâm cung phụng và Hàn lâm đãi chiếu trước đây, chức Hàn lâm học sĩ thời Đường không có ngạch nhất định, không có giới hạn quan được bổ phải từ cấp hoặc phẩm nào. Mức lương được trả là mức lương theo chức vụ chính thức mà vị quan được đã nắm giữ trước khi nhậm chức Hàn lâm học sĩ. Sau khi làm việc 1 năm tại Hàn lâm viện, quan Hàn lâm học sĩ sẽ được phong hàm (không phải là chức mà là hàm) Tri chế cáo (知制誥, Participant in the Drafting of Proclamations). Quan Hàn lâm học sĩ chưa được thăng hàm Tri chế cáo không được khởi thảo văn thư, chỉ được thị tùng văn học. Được bổ vào chức Hàn lâm học sĩ đồng nghĩa với việc khi yến tiệc được ngồi dưới Tể tướng, trên quan Nhất phẩm, nên các quan Hàn lâm học sĩ còn được biết đến là quan "Nội tướng (内相, Inner Counsellor-in-chief)". Vì chức vụ kề cận và cố vấn vua, dù cho chức vụ chính thức cao thấp ra sao, Hàn lâm học sĩ thăng tuyển dễ dàng trong quan trường, thường thăng đến Tể tướng.

Biên chế

Thời Đường, các chức Học sĩ chính thức trong Hàn lâm viện như Hàn lâm học sĩ thừa chỉ, Hàn lâm học sĩ, Hàn lâm thị độc học sĩ, Hàn lâm thị giảng học sĩ đều là các chức Sai khiển (差遣, Duty Assignment), không lương và không phẩm trật, được xem là cao quý hơn chức danh Học sĩ thông thường tại các viện khác dù tất cả các chức Học sĩ đều không được trả lương.

Số học sĩ Hàn lâm viện lúc đầu tăng hoặc giảm tùy theo nhu cầu.

Đời Đường Huyền Tông, triều đình chỉ định giới hạn Hàn lâm học sĩ là 6 người. Sau năm 800, trong 6 quan Hàn lâm học sĩ, lại một quan được chọn làm chưởng quan Hàn lâm viện với chức vụ là Hàn lâm học sĩ thừa chỉ (翰林學士承旨, Hanlin Academician Recipient of Edicts).[13]

Sau khi làm việc 1 năm tại Hàn lâm viện, quan Hàn lâm học sĩ sẽ được phong hàm (không phải là chức mà là hàm) Tri chế cáo (知制誥, Participant in the Drafting of Proclamations). Quan Hàn lâm học sĩ chưa được thăng hàm Tri chế cáo không được khởi thảo văn thư, chỉ được thị tùng văn học.

Ngoài hai chức Hàn lâm học sĩ và Hàn lâm học sĩ thừa chỉ ra, triều Đường còn có các chức Sai khiển giúp cho các Hàn lâm học sĩ như sau:

  • Hàn lâm Thị độc học sĩ (翰林侍讀學士, Hailin Academician Reader-in-waiting), lập thời Đường năm Khai Nguyên 13 (725), là chức Sai khiển giữ việc giảng nghĩa kinh sách. Nguyên đây là chức Thị giảng được trao cho các học quan để dạy dỗ, giảng giải kinh sách cho thái tử hoặc cho các hoàng tử, sau này được sung kiềm vào Hàn lâm viện. Chức Thị độc cao hơn chức Thị giảng vì sách xưa viết bằng chữ Hán không có chấm câu nên người đọc phải đem kiến thức và kinh nghiệm của mình ra để chấm câu rồi giảng cho đúng. Quan Thị độc thuộc làu kinh sử, biết chỗ ngắt câu nên chức Thị độc cao hơn Thị giảng. Hàm học sĩ được phong để phân biệt với các Thị độc khác vì Hàn lâm Thị độc học sĩ là chức cao quý hơn Hàn lâm Thị độc hoặc Thị độc tại triều đình.
  • Hàn lâm Thị giảng học sĩ (翰林侍講學士, Hailin Academician Expositor-in-waiting), lập thời Hán, là chức Sai khiển phụ trách việc giải thích, bình luận, chú thích các văn thơ ca chế biểu.[14] Tương tự Hàn lâm Thị độc học sĩ, chức Hàn lâm Thị giảng học sĩ là chức cao quý hơn Hàn lâm Thị giảng hoặc Thị giảng tại triều đình.
  • Thị thư học sĩ (侍書學士, Academician Calligrapher-in-Waiting) là chức Sai khiển giữ việc dạy bảo thư pháp. Chức này có lẽ được lập vào thời Đường.[15] Không có tư liệu để biết có chức Hàn lâm Thị thư học sĩ hay không. Theo suy đoán, chức Hàn lâm Thị thư học sĩ có thể được đặt vì thời Đường là thời có rất nhiều thư pháp gia nổi tiếng như Liễu Công Quyền hoặc Chữ Toại Lương.

Các chức Hàn lâm học sĩ thừa chỉ, Hàn lâm học sĩ, Hàn lâm Trực học sĩ, Hàn lâm Thị độc học sĩ, Hàn lâm Thị giảng học sĩ là các chức được gắn thêm chữ Hàn lâm và hàm Học sĩ để phân biệt với các chức cùng tên nhưng được bổ vào các viện khác như Tập hiền viện. Các chức khác trong Hàn lâm viện tùy theo trường hợp mà được chuyển sang Hàn lâm viện và gắn thêm mỹ tự Hàn lâm để phân biệt với chức không thuộc Hàn lâm viện, chỉ phụ giúp viện.

Dưới các chức này là các chức Hàn lâm Thị độc (翰林侍讀, Hailin Reader-in-waiting), Hàn lâm Thị giảng (翰林侍講, Hailin Expositor-in-waiting).

Ngoài ra, Hàn lâm viện còn được phụ giúp bởi 2[16] quan Ngũ kinh Bác sĩ (五經博士, Erudite of the Five Classics), là chức chính thức có trật phẩm (không phải chức Sai khiển), đã được lập từ thời Hán, được trao các quan uyên thâm chuyên nghiên cứu về Ngũ kinh, để dạy các sĩ tử tại Quốc tử giám, trật Chánh ngũ phẩm.

Ngoài những chức điều hành và thuộc viên trong Hàn lâm viện trên ra, còn có các chức phụ giúp đến từ các viện học thuật khác như Tập hiền viện hoặc Chiêu văn quán. Các chức như Thị độc, Thị giảng, Hiệu lý (校理, Subeditor) (Hiệu lý được bãi bỏ vào năm Trinh Nguyên 8 (792) thay bằng chức Hiệu thư (校書, Editing Clerk)), Chính tự (政字, Clerk)[17], Kiểm thảo (檢討, Examining Editor), Trước tác lang (著作郞, Editorial Director), Tu soạn (修撰, Senior Compiler), Trước tác (著作, Editorial Clerk), Hiệu khám (校勘, Proofreader), v.v. Các chức này tùy theo trường hợp mà được chuyển sang chính thức thuộc Hàn lâm viện và gắn thêm mỹ tự Hàn lâm hoặc chỉ đơn thuần phụ việc Hàn lâm viện trong một thời gian ngắn.

Thời này, việc giới hạn 6 Hàn lâm học sĩ không có nghĩa là chỉ có 6 vị học sĩ tại triều đình. Trong triều đình ngoài Hàn lâm học sĩ ra, vì chức Học sĩ là một chức Sai khiển, có khá nhiều các học sĩ khác làm việc tại các bộ, cấp khác nhau, đều dưới sự điều hành của Học sĩ viện. Hàn lâm viện (hay Hàn lâm Học sĩ viện) và Học sĩ viện đã hoạt động song song cùng nhau cho đến hết thời Tống, mặc dù thời nay khi nhắc đến học sĩ, người ta lại nhớ đến các vị học sĩ thuộc Hàn lâm viện nhiều hơn là các vị học sĩ đến từ Học sĩ viện. Ngoài ra, còn có chức Trực học sĩ (直學士, Auxiliary Academician), trật thường từ Lục phẩm trở xuống[13], phụ giúp việc soạn thảo giấy tờ tại các viện văn học như Hàn lâm viện, Tập hiền viện, Chiêu văn quán hoặc trong các bộ như bộ Binh.

Thời Đường, trọng trách soạn thảo chiếu thư, văn kiện triều đình được phân định theo biên chế Lưỡng Chế (兩制, Two Drafting Groups) tức hai văn phòng soạn thảo chiếu thư, văn kiện triều đình được phân định như sau:

  • Nhóm Nội chế (內制, Inner Drafters) do Hàn lâm viện đảm nhiệm, chuyên trách việc soạn thảo những chiếu thư quan trọng như chiếu lập Thái tử (建儲, kiến triệu), chiếu xá tội (赦書, 徳音), chiếu bổ, miễn Tam công, Tể tướng, quan văn võ cấp cao, hay chiếu tuyên bố các cuộc chinh phạt, bình định với quy mô lớn (大誅討).
  • Nhóm Ngoại chế (內制, Outer Drafters) do Trung thư sảnh đảm nhiệm, chuyên trách việc soạn thảo những chiếu thư, văn kiện triều đình khác như chiếu ủy lạo binh lữ (慰軍旅)

Các loại chiếu thư, văn kiện này tùy theo mức quan trọng mà dùng các loại giấy đay khác nhau. Theo Hàn lâm chí[18], những chiếu lập Thái tử, bổ miễn quan lại cấp cao, chiếu tuyên bố chinh phạt, chiếu khen ngợi Thanh cung Đạo quán (清宮道觀, một quán đạo Lão nổi tiếng thời Đường) thì dùng loại giấy đay trắng tên Bạch Ma (白麻, White rattan paper). Các loại chiếu khác như chiếu ủy lạo, an ủi binh lữ dùng loại giấy đay vàng tên Hoàng Ma (黃麻, Yellow rattan paper). Chiếu tiến cáo (dùng trong tế lễ) dùng tại Thanh cung Đạo quán dùng mực son (tức mực màu đỏ) viết trên giấy màu xanh dương gọi thanh đằng (青藤, Blue rattan paper), v,v...

Việc lập biên chế Lưỡng chế đảm bảo sự bí mật trong việc soạn thảo những chiếu, chỉ quan trọng mà đôi khi chỉ vua là người biết duy nhất trước khi tuyên bố. Theo Kiến văn tạp lục của Lê Quý Đôn:

"Thời nhà Tống, Bắc Môn giữ Nội chế, Tây dịch giữ Ngoại chế, gọi là Lưỡng chế. Khi thảo chế văn phong chức cho quan văn, quan võ, thì trước hết viên Trung thư dâng tờ trình về việc ban phong, tới hôm ấy, nhà vua truyền lệnh đóng cửa viện để khởi thảo; duy thảo chế văn phong hậu phi, Thái tử và tể tướng thì không cho viện[19] này biết, mà sai nội sứ truyền lệnh triệu viên quan học sĩ đến tiện điện[20] nhà vua đương đường dụ bảo về ý nghĩa ban phong, cho phép viên quan ấy ngồi và ban cho uống trà, trước mặt vua bày đồ kim khí gần ba trăm lạng, khi đã viết xong tờ chế, liền đem ban cho. Như Vương Luân thảo tờ chế phong Lưu quý phi, Cao Tông ban cho tiền nhuận bút gần một vạn quan, sao mà hậu đãi thế? Tờ chế thảo đến trống canh ba mới xong, khi dâng bản thảo, vua vẫn chưa đi nằm, để đợi, kịp đến sáng tuyên bố chế văn, cũng không cho viên quan khác thay đổi đính chính, sao mà trọng đãi thế? Nhà Minh trở về sau, không có thể lệ ấy."[21]

Thời Tống

Các thay đổi tại Hàn lâm viện

Thời Tống, các chức các Hàn lâm học sĩ thường phụ trách những buổi thiết triều thảo luận về kinh truyện cùng vua và triều đình. Đây chính là thời kỳ Hàn lâm viện chuyển đổi từ một tổ chức cố vấn chính trị không chính thức thành một cơ quan chuyên phụ trách việc học thuật và văn hóa như được biết đến ngày nay.[22]

Thời Tống Thần Tông (1067-1085), chức Hàn lâm học sĩ không còn là chức Sai khiển (差遣, Duty Assignment), được quy định trở thành chức quan chính thức với trật Chánh tam phẩm. Bắt đầu từ lúc này, chính sách Lưỡng chế được xóa và toàn bộ việc soạn thảo văn kiện đều do Hàn lâm học sĩ đảm giữ.[23] Hàn lâm học sĩ chính thức thời này được giới hạn lại là 2 người. Ngoài ra:

  • Tương tự thời Đường, nếu cần bổ thêm những vị quan để giữ việc soạn thảo, Hàn lâm viện sung các Trực học sĩ (直學士, Auxiliary Academician), trật thường là Tòng tam phẩm[13], vào phụ viện. Thời Minh, khi các Trực học sĩ viện tại các học viện khác được bổ vào Hàn lâm viện, chức Trực học sĩ được đổi thành chức Trực học sĩ viện (直學士院, Auxiliary Hanlin Academician)[13]
  • Nếu cần bổ thêm vị quan để tạm thời nắm giữ chức vụ để trống của một trong 2 vị Hàn lâm học sĩ, vị quan này được bổ chức Quyền trực học sĩ viện (權直學士院, Provisional Auxiliary Hanlin Academician). Tuy vậy, nếu chức mà vị quan giữ trước khi nhận chức này có phẩm trật là Chánh tam phẩm hoặc cao hơn, thì chức được bổ lại gọi là Quyền Hàn lâm học sĩ (權翰林學士, Provisional Auxiliary Hanlin Academician)[23]

Thời này, tương tự thời Đường, biên chế Lưỡng chế trong việc soạn thảo chiếu thư, văn kiện vẫn được áp dụng cho đến thời Tống Thần Tông. Hàn lâm học sĩ vẫn giới hạn là 6 người nhưng khi cần có thể tăng thêm 1 vị Hàn lâm học sĩ thứ 7 gọi là Viên ngoại học sĩ (員外學士, Auxiliary Hanlin Academician). Thời này, chỉ những học sĩ uyên thâm mới chính thức là Hàn lâm học sĩ và có hy vọng làm Tể tướng, còn thấp hơn thì chỉ gọi là Trực học sĩ hoặc Trực học sĩ viện nếu được bổ sung vào Hàn lâm viện.

Biên chế

Tương tự thời Đường, Hàn lâm viện thời Tống có các quan Hàn lâm học sĩ được điều hành bởi 1 vị quan Hàn lâm học sĩ thừa chỉ (翰林學士承旨, Hanlin Academician Recipient of Edicts), trật Chánh tam phẩm.[13]

Dưới các quan Hàn lâm học sĩ vẫn là các quan đã được đặt từ thời Đường cộng với các chức được đổi tên hoặc thêm như Trực học sĩ viện, Quyền trực học sĩ viện hoặc Quyền Hàn lâm học sĩ.

Một chức mới được đặt ra là chức Biên tu quan (編修官, Junior Compiler), trật Chánh bát phẩm[24], giữ việc soạn quốc sử và thực lục, thuộc Quốc sử viện (國史院, Historiography Academy) và Thực lục viện (實錄院, True Records Institute). Ngoài ra, thời này còn có thêm chức Tả, Hữu Thuyết thư (說書, Lecturer), coi việc giảng nghĩa kinh sách.

Riêng chức Thị thư:

  • Không như thời Đường, chức Thị thư thời Tống không có chức vụ Học sĩ theo kèm, tức thời Tống, Thị thư là Thị thư (侍書, Court Calligrapher) mặc dù vẫn thuộc Hàn lâm viện[13]
  • Chức Thị thư giúp việc cho Điển bạ (典簿, Manager of Registration)[25]

Việc hợp nhất Hàn lâm viện vào Nội thị sảnh

Thời Tống lại là thời mà danh từ Hàn lâm viện đã bị ngộ nhận nghiêm trọng qua việc dùng Hàn lâm viện để làm cơ quan chuyên trách các thú vui tao nhã trong triều đình. Do các vua Tống đều là những vị hoàng đế yêu thích nghệ thuật, Hàn lâm viện lại được biết đến là một cơ quan chuyên về văn hóa nghệ thuật hơn là cơ quan cố vấn việc quốc sự học học viện như thời Đường. Hàn lâm viện này (khác với Hàn lâm viện tương tự Học sĩ viện) được đặt dưới quyền điều hành của Nội thị sảnh (內侍省, Department of Service). Thời này, Hàn lâm viện (翰林院, Artisans Institute) được biết đến với tên gọi là Tứ sở (四局, Four Artisan Services) do trong biên chế của viện, gồm bốn sở là sở thiên văn (天文局, Astrologer Service), sở đồ họa (圖畫局, Painter Service), sở thư nghệ (書藝局, Calligrapher Service), và sở Vụ Trá (騖笮局, Games & Tea Service).[26] Việc làm này đã tạo nên những ngộ nhận ngày nay đánh đồng việc các Hàn lâm học sĩ thời này kiêm chức quan bói toán, hầu rượu, đãi trà, v.v.

Thật ra, thời Tống, Hàn lâm viện có 2 ý nghĩa khác nhau. Hàn lâm viện (翰林院, Hanlin Academy) là Hàn lâm viện, như Học sĩ viện, chỉ về văn học, về các quan văn cao chữ tốt gồm 6 người rồi sau đó là 2 người dưới thời Tống Thần Tông. Còn Hàn lâm viện (翰林院, Artisans Institute), như Tứ sở (四局, Four Artisan Services) thì lại là một cơ quan của Nội thị sảnh, chuyên trách các hoạt động thú vui nghệ thuật trong cung đình, những cơ quan này lẫn các thuộc viên, chưởng quan không phải là Hàn lâm học sĩ.

Thời Liêu, Kim, Nguyên

Thời Liêu, Kim, Nguyên, Hàn lâm viện được đổi thành Hàn lâm Quốc sử viện (翰林國史院, Hanlin and Historiography Academy), chuyên trách các việc học thuật Hàn lâm và biên soạn quốc sử, không liên quan đến các việc hành pháp và lập pháp. Các triều đại này đều lập Hàn lâm học sĩ nhưng địa vị thấp hơn thời Đường Tống.[23]

Thời Liêu, Kim, tương tự thời Đường, Tống, Hàn lâm viện có các quan Hàn lâm học sĩ được điều hành bởi 1 vị quan Hàn lâm học sĩ thừa chỉ (翰林學士承旨, Hanlin Academician Recipient of Edicts). Sau năm 1318 thời Kim, thăng trật Chánh nhị phẩm.[11]

Thời Nguyên, Hàn lâm viện được điều hành bởi 6 quan Hàn lâm học sĩ thừa chỉ, trật Tòng nhất phẩm.[13] Ngoài ra, triều đình còn cho lập một viện khác là Mông Cổ Hàn lâm viện (蒙古翰林院, Mongolian Hanlin Academy), là một cơ quan riêng biệt, chuyên trách việc soạn thảo các văn thư triều đình bằng tiếng Mông Cổ hoặc dịch thuật các văn thư bằng tiếng Mông Cổ qua các ngôn ngữ khác hoặc ngược lại. Thời này, Mông Cổ Hàn lâm viện và Hàn lâm Quốc sử viện là hai viện độc lập và có các trọng trách khác nhau.

Thời Minh

Các thay đổi tại Hàn lâm viện

Thời Minh, Hàn lâm viện được tổ chức và chính thức nâng cấp thành một cơ quan với đầy đủ các chức vụ trong Hàn lâm viện như được biết đến ngày nay. Hàn lâm viện thời Minh có mối quan hệ rất chặt chẽ với việc thi cử, bộ Lễ, cùng vua và triều đình và vì vậy, tham gia vào việc chính sự xuyên suốt cả triều đại Minh.

Thời này, Hàn lâm viện là nơi mà các tiến sĩ kỳ thi Đình đều nhắm đến và là bàn đạp quan trọng để các tiến sĩ gia nhập và thăng tiến mau chóng trong quan trường. Tuy vai trò của Hàn lâm viện giới hạn hơn trong việc hành pháp và lập pháp vào thời Minh so với thời ĐườngTống, nhưng bắt đầu từ đây, khi Hàn lâm viện, bộ Lễ, và Nội các là 3 cơ quan quan trọng kề cận các vị hoàng đế thời Minh, thì Hàn lâm viện là bàn đạp quan trọng cho các tiến sĩ trong những khoa thi cử gia nhập vào và thăng tiến mau trong quan trường. Thời này, Hàn lâm viện là điểm được bổ đến đầu tiên của các tiến sĩ đậu các khoa thi Đình. Theo luật nhà Minh:

  • Các vị tiến sĩ đệ nhất giáp kỳ thi Đình được trao ngay những chức vụ trong Hàn lâm viện, như Trạng nguyên được bổ chức Hàn lâm viện Tu soạn trật Tòng lục phẩm, Bãng nhãnThám Hoa được bổ chức Hàn lâm viện Biên tu, trật Chánh thất phẩm.
  • Đối với các vị tiến sĩ khác đậu nhị hoặc tam giáp trong kỳ thi Đình, họ được triều đình bổ chức Thự các sĩ (庶吉士, Hanlin Bachelor) là các chức được làm tạm thời trong Hàn lâm viện. Sau 3 năm các vị Thự các sĩ này sẽ được khảo lại, nếu đậu, triều đình sẽ bổ vào các chức trong Hàn lâm viện hoặc tại các cơ quan khác trong triều đình. Các chức vụ này phần lớn đều liên quan đến bộ Lễ, và dần dần từ bộ Lễ, được bổ vào Nội các trong tương lai.[22]

Thời này các quan trong Hàn lâm viện được vào tham khảo tài liệu trong Văn Uyên Các (文淵閣, Hall of Literary Profundity) là nơi văn phòng của các Đại học sĩ (大學士, Grand Secretaries), cũng là nơi mà các tài liệu bí mật quốc gia được lưu giữ.[23]

Biên chế

Hàn lâm viện thời này được điều hành bởi 1 vị quan Học sĩ[27] (學士, Chancellor of the Hanlin Academy), trật Chánh tam phẩm, rồi Tòng tam phẩm, rồi Chánh ngũ phẩm[13]

Chức Hàn lâm học sĩ thừa chỉ từ thời Đường đến thời Nguyên không còn được dùng bắt đầu từ thời Minh[13]

Chức Hàn lâm đãi chế được đặt năm 712 thời Đường đã được xóa bỏ thời Minh năm 1381[13]

Dưới vị quan Hàn lâm học sĩ vẫn là các quan đã được đặt từ thời Đường như Thị độc học sĩ, Thị giảng học sĩ, Tu soạn, Biên tu, v.v..

Chức Trực học sĩ (直學士, Auxiliary Academician) đã có từ thời Đường được xóa bỏ vào thời sơ Minh năm 1381.[13]

Thời này, chức Điển Bạ (典簿, Manager of Registration) từ một chức quan nữ xem xét sổ sách phi tần trong hậu cung đổi thành chức thuộc quan lưu trữ văn kiện (典簿, Archivist), gia nhập Hàn lâm viện.[13]

Cùng thời, chức Ngũ kinh Bác sĩ (五經博士, Erudite of the Five Classics) được thay đổi gọi là Thế tập Ngũ kinh Bác sĩ (世襲五經博士, Hereditary Erudite of the Five Classics) do chức này bắt đầu từ thời Minh là chức tước ấm (爵蔭, Hereditary Nobility) bổ cho con cháu của các thánh hiền Nho học như con cháu đức Khổng tử. Chức Ngũ kinh Bác sĩ thời Đường trật Chánh ngũ phẩm, thời này đổi lại Chánh hoặc tòng tam phẩm.[13] Số quan Thế tập Ngũ kinh Bác sĩ cũng tăng từ 2 lên 5 người.[28]

Thời Thanh

Hàn Lâm Viện thời Thanh năm 1744, sau một cuộc tân trang dưới triều Càn Long, (tranh vẽ)Khuôn viên Hàn lâm viện Trung Quốc (hình chụp năm 2016)

Các thay đổi tại Hàn lâm viện

Thời Thanh là thời mà số thuộc viên Hàn lâm viện tăng đáng kể. Tổng số thuộc viên làm việc tại Hàn lâm viện thời Thanh được biết đến là 6472 người.[29]

Thời này, Hàn lâm viện vẫn là một cơ quan học thuật danh vọng, nhưng không còn tham gia nhiều vào các việc quốc gia đại sự. Hàn lâm viện thời Thanh được giao giữ việc biên soạn quốc sử, ghi chép các câu, lời nói vua, điều hành việc giảng kinh truyện, thảo văn kiện liên quan đến nghi lễ. Như thời Minh, Hàn lâm viện thời Thanh là nơi mà các tiến sĩ bắt đầu xuất thân trên quan trường và hầu hết các trọng thần đều xuất thân từ Hàn lâm viện. Đến nỗi thời Đạo Quang, Hàm Phong, các thuộc quan Hàn lâm viện có thể từ chức Biên tu, Kiểm thảo trong vòng 10 năm thăng đến chức Thị lang (侍郎, Vice Minister) là chức điều hành một viện hoặc phủ, chỉ đứng dưới Thượng thư.[30]

Biên chế

Tương tự thời Minh, Hàn lâm viện thời Thanh được điều hành bởi Học sĩ. Nhưng vào thời Thanh, Hàn lâm học sĩ được chia cho 2 quan thay vì chỉ một quan như thời Minh. Chức Hàn lâm học sĩ thời Thanh được biết đến nhiều hơn với tên gọi chính thức là Hàn lâm viện Chưởng viện học sĩ (翰林院掌院學士, Academicians in Charge)[13][31]

Hai quan học sĩ này được lựa chọn từ Đại học sĩ hoặc Thượng thư, chọn 1 quan người Mãn, 1 quan người Hán, bổ chức Học sĩ kiêm hàm Lễ bộ Thị lang, trật Chánh nhị phẩm. Chức Học sĩ này được thành lập năm 1644, rồi lại nhập vào với Nội các đến 1670 đồng nghĩa với việc không có chức Học sĩ hoặc Chưởng viện học sĩ trong những năm này. Năm 1670,chức Chưởng quan được lập lại cho đến khi Hàn lâm viện bị bãi bỏ.

Dưới 2 quan Hàn lâm học sĩ vẫn là các thuộc viên như Thị độc học sĩ, Thị giảng học sĩ, Thị độc, Tu soạn, Kiểm thảo, Điển bạ, Thự các sĩ, v.v.

Thời này, cũng như thời Minh, Hàn lâm viện là nơi mà các tiến sĩ có thể thăng chức mau chốc trên quan trường. Theo luật thời Minh, Thanh:

  • Các vị tiến sĩ đệ nhất giáp kỳ thi Đình được trao ngay những chức vụ trong Hàn lâm viện, như Trạng nguyên được bổ chức Hàn lâm viện Tu soạn trật Tòng lục phẩm, Bãng nhãnThám Hoa được bổ chức Hàn lâm viện Biên tu, trật Chánh thất phẩm.
  • Đối với các vị tiến sĩ khác đậu nhị hoặc tam giáp trong kỳ thi Đình, họ được triều đình bổ chức Thự các sĩ (庶吉士, Hanlin Bachelor) là các chức được làm tạm thời trong Hàn lâm viện. Sau 3 năm các vị Thự các sĩ này sẽ được khảo lại, nếu đậu, triều đình sẽ bổ vào các chức trong Hàn lâm viện hoặc tại các cơ quan khác trong triều đình. Các chức vụ này phần lớn đều liên quan đến bộ Lễ, và dần dần từ bộ Lễ, được bổ vào Nội các trong tương lai.[22]

Chức Thị độc học sĩ thường được khảo lại sau 4 hoặc 5 năm. Những quan Thị độc học sĩ rớt sẽ bị xóa tên khỏi Hàn lâm viện.

Chấm dứt

Năm Quang Tự 31 (1905), triều Thanh chính thức xóa bỏ khoa cử tại Trung Quốc, Hàn lâm viện cũng được bãi bỏ sau hơn cả ngàn năm được trọng vọng trong các triều đại Trung Hoa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hàn lâm viện http://zidian.reader8.cn/16hua/15723.html http://www.360doc.com/content/15/0702/16/17799864_... http://baike.baidu.com/view/36458.htm http://3.bp.blogspot.com/-2XEyKXOLwLQ/UiLAhOKLoKI/... http://www.chinaknowledge.de/History/Terms/hanliny... http://lemanhchien41.blogspot.fr/2013/08/luoc-khao... http://www.vjol.info/index.php/khxhvn/article/view... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1...